chuc nang nhiem vu - Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại

Chức năng nhiệm vụ của Trung tâm

Ngày 11-10-2021

Điều 1. Vị trí và chức năng

1. Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Hậu Giang (sau đây gọi tắt là Trung tâm) là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang có chức năng phục vụ quản lý nhà nước về hoạt động Khuyến công và Xúc tiến thương mại; cung cấp các dịch vụ công trong lĩnh vực Khuyến công và Xúc tiến thương mại theo quy định của pháp luật.

2. Trung tâm chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý trực tiếp của Sở Công Thương về tổ chức và hoạt động theo quy định. Đồng thời, chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ công tác Khuyến công và Xúc tiến thương mại của Cục Công Thương địa phương, Cục Xúc tiến thương mại thuộc Bộ Công Thương và các quy định hiện hành của Nhà nước.

3. Trung tâm có tư cách pháp nhân, có con dấu, có trụ sở và tài khoản riêng, hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Về công tác Khuyến công

a) Xây dựng, trình phê duyệt và triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án về hoạt động khuyến công được cấp có thẩm quyền phê duyệt; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân triển khai chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ, đề án khuyến công hàng năm; chủ trì và chịu trách nhiệm tổ chức nghiệm thu, kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí khuyến công đúng đối tượng, mục đích và các quy định hiện hành.

b) Tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến công và các chính sách khuyến công khác theo quy định của pháp luật; theo dõi đánh giá, tổng hợp báo cáo và cung cấp thông tin, tài liệu liên quan về công tác khuyến công theo quy định.

c) Xây dựng, lưu giữ và khai thác dữ liệu, điện tử về công nghiệp nông thôn tại địa phương. Tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách về phát triển công nghiệp, hoạt động khuyến công tại địa phương.

 d) Tổ chức các hoạt động nghiên cứu, khảo sát, học tập kinh nghiệm, các hội thi, hội thảo, hội chợ, diễn đàn về khuyến khích phát triển công nghiệp địa phương.

đ) Tổ chức, phối hợp tổ chức tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ khuyến công cho các đơn vị, cá nhân tham gia hoạt động khuyến công.

e) Vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện, máy móc, trang thiết bị, khoa học công nghệ để thực hiện chương trình, đề án khuyến công và tham gia hoạt động khuyến công tự nguyện tại địa phương.

g) Tổ chức đào tạo hoặc liên kết đào tạo nhân lực phục vụ phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

h) Triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án về công nghiệp hỗ trợ, làng nghề tiểu thủ công nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh tế tập thể, hợp tác xã ngành công thương.

i) Thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư phát triển công nghiệp; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khuyến công; xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm theo đề án, chương trình khuyến công.

2. Về công tác Xúc tiến thương mại

a) Xây dựng chương trình, đề án, kế hoạch về hoạt động xúc tiến thương mại trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

b) Phối hợp tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách quản lý và phát triển thương mại, phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu.

c) Hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia hội trợ triển lãm, hội thảo, diễn đàn trong và ngoài nước.

d) Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về hàng hóa và dịch vụ Việt Nam đến người tiêu dùng trong nước qua các hoạt động truyền thông trên báo giấy, báo điện tử, truyền thanh, truyền hình, ấn phẩm và các hình thức phổ biến thông tin khác.

đ) Điều tra, khảo sát, nghiên cứu thị trường trong và ngoài nước; xây dựng cơ sở dữ liệu các mặt hàng quan trọng, thiết yếu; nghiên cứu phát triển hệ thống phân phối, cơ sở hạ tầng thương mại. Các ấn phẩm để phổ biến kết quả điều tra, khảo sát, phổ biến pháp luật, tập quán, thói quen mua sắm. Phối hợp thực hiện các chương trình, kế hoạch về thương mại điện tử.  

e) Xây dựng các Chương trình truyền hình, truyền thanh; xuất bản các bản tin ấn phẩm; tờ rơi, tờ gấp và các hình thức thông tin đại chúng khác.

g) Tổ chức, phối hợp tổ chức các đề án, chương trình, kế hoạch đưa hàng Việt về nông thôn hàng năm theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Công Thương nhằm hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động.

h) Tổ chức, tham gia các hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối giao thương, cung cầu trong và ngoài nước; vận động các doanh nghiệp tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa và trực tiếp tổ chức gian hàng giới thiệu thành tựu ngành công thương, thành tựu kinh tế của tỉnh tại các kỳ hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối giao thương, cung cầu trong và ngoài nước.

i) Thực hiện các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xúc tiến thương mại khác như:

- Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước;

- Kết nối giao thương, tham gia hệ thống phân phối ở nước ngoài và tại Việt Nam;

- Hỗ trợ phát triển, vận hành hạ tầng thương mại, logistics phục vụ hoạt động ngoại thương;

- Hoạt động hỗ trợ nghiên cứu, phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa để xuất khẩu sang thị trường nước ngoài;

- Đào tạo, nâng cao năng lực xúc tiến thương mại, phát triển thị trường nước ngoài;

k) Tổ chức đào tạo, tập huấn ngắn hạn về kỹ năng kinh doanh, tổ chức mạng lưới bán lẻ; hỗ trợ tham gia các khóa đào tạo chuyên ngành ngắn hạn cho các doanh nghiệp hoạt động trong những ngành đặc thù; đào tạo kỹ năng phát triển thị trường trong và ngoài nước cho các đơn vị chủ trì; hợp tác với các tổ chức, cá nhân nghiên cứu xây dựng chương trình phát triển thị trường trong nước.

l) Tổ chức các khóa bồi dưỡng, đào tạo; phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng quy định của pháp luật về an toàn, an toàn trong quản lý, sử dụng, bảo quản, kinh doanh và vận chuyển hàng hoá nguy hiểm, xăng dầu, khí; huấn luyện an toàn hóa chất; huấn luyện về kỹ thuật an toàn đối với hoạt động kinh doanh khí.

m) Thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại khác do Sở Công Thương và Ủy ban nhân dân tỉnh giao.

3.  Tư vấn phát triển công nghiệp và thương mại

a) Tư vấn lập dự án: Quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; quy hoạch khu, cụm công nghiệp; quy hoạch điện lực; quy hoạch thương mại của địa phương.

b) Tư vấn đầu tư xây dựng các công trình công nghiệp, thương mại, công trình dân dụng và hạ tầng kỹ thuật (hệ thống chiếu sáng công cộng).

c) Tư vấn về khai thác, chế biến khoáng sản; tư vấn về kiểm tra an toàn, hiệu chỉnh các thiết bị khoan, máy nổ mìn trong hoạt động khoáng sản và thi công có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.

d) Tư vấn các lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, kiểm toán năng lượng; sản xuất sạch, vệ sinh công nghiệp, an toàn thực phẩm; thực hiện các hoạt động tư vấn, giám sát; thẩm tra, thẩm định kỹ thuật dự án, các công trình kỹ thuật công nghiệp và thương mại khác theo quy định của pháp luật.

đ) Thực hiện các nhiệm vụ tư vấn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Cơ cấu tổ chức và biên chế

1. Lãnh đạo Trung tâm, gồm: Giám đốc và không quá 02 (hai) Phó Giám đốc.

a) Giám đốc Trung tâm là người đứng đầu Trung tâm, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Công Thương và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Trung tâm.

b) Phó Giám đốc Trung tâm là người giúp Giám đốc Trung tâm chỉ đạo một số mặt công tác, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Trung tâm và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công; khi Giám đốc vắng mặt, một Phó Giám đốc được Giám đốc ủy nhiệm điều hành các hoạt động của Trung tâm.

c) Việc bổ nhiệm Giám đốc Phó Giám đốc Trung tâm do Giám đốc Sở Công Thương quyết định theo quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh, phù hợp với tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ, chức danh quy định.

d) Việc miễn nhiệm, điều động, khen thưởng, kỷ luật, cho từ chức, nghỉ hưu và thực hiện chế độ, chính sách đối với Giám đốc, Phó Giám đốc do Giám đốc Sở Công Thương quyết định theo quy định của pháp luật.

2. Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ:

- Phòng Hành chính - Tổng hợp;

- Phòng Khuyến công;

- Phòng Xúc tiến thương mại;

- Phòng Tư vấn phát triển công nghiệp;

- Phòng Thông tin huấn luyện.

3. Biên chế và số lượng người làm việc:

a) Số lượng người làm việc của Trung tâm được xác định trên cơ sở Đề án vị trí việc làm và theo chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động của đơn vị. Số lượng cụ thể do Giám đốc Sở Công Thương giao hằng năm trên cơ sở tổng số biên chế sự nghiệp được cấp có thẩm quyền phân bổ.

b) Tùy theo khối lượng, quy mô, yêu cầu về thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, Giám đốc Trung tâm có quyền được ký hợp đồng lao động (theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập).

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký; các Quyết định trước đây quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Hậu Giang đều không còn hiệu lực thi hành.

Điều 5. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc: Sở Nội vụ, Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.



Đang online: 1
Hôm nay: 30
Đã truy cập: 384402
You do not have the roles required to access this portlet.