Xem chi tiet tin - Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại

Chi tiết tin tức

6 giải pháp được đề ra tại Hội nghị ngành công thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ IX

Ngày 11-10-2023

Nằm trong khuôn khổ chuỗi các sự kiện ngành công thương, sáng ngày 6-10, Bộ Công thương phối hợp với UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị ngành công thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ IX - năm 2023. Đây là hoạt động chính trong chuỗi sự kiện.

Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng đề ra 6 giải pháp tại Hội nghị ngành công thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ IX - năm 2023. 

Tham dự hội nghị có bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công thương; ông Ngô Quang Trung, Cục trưởng Cục Công thương địa phương. Về phía tỉnh Hậu Giang, cùng dự có ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; bà Mã Thị Tươi, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các Bộ, Sở Công thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, phát biểu khai mạc hội nghị. 

Theo báo cáo của Bộ Công thương, nhìn chung tình hình sản xuất công nghiệp năm 2022 ổn định, sản xuất vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng tích cực; trong đó, tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo mang tính quyết định đối với sự phát triển công nghiệp của các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Chỉ số sản xuất công nghiệp có mức tăng khá so với năm 2021. Có 15/20 tỉnh, thành có mức tăng cao hơn mức tăng bình quân của cả nước, bao gồm: Cần Thơ tăng 29,59%; Vĩnh Long tăng 24,95%; Hậu Giang là 15,22%... Qua 8 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp vẫn duy trì được mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2022. Có 18/20 tỉnh, thành có mức tăng cao hơn mức tăng bình quân của cả nước.

Quang cảnh hội nghị.

Về thương mại nội địa, năm 2022 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của khu vực phía Nam đạt 2.939,717 ngàn tỉ đồng, tăng 26,29% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 51,75% so với cả nước. Có 15/20 địa phương có mức tăng trưởng cao hơn mức bình quân cả nước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 8 tháng đầu năm 2023 đạt 2.113,357 ngàn tỉ đồng, tăng 13,75% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm tỷ trọng 52,26% so với cả nước. Có 16/20 tỉnh, thành tăng trưởng cao và cao hơn mức tăng trưởng bình quân cả nước.

Bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công thương (giữa) và ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh (thứ 3 từ trái sang) trao hoa và bằng khen cho các cá nhân, tập thể đạt thành tích trong công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp giai đoạn 2017-2022.

Tình hình xuất khẩu duy trì mức tăng trưởng cao. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thực hiện đạt 139,31 tỉ USD, tăng 18,41%. Các địa phương có mức tăng trưởng cao như: Hậu Giang tăng 46,17%; Bình Thuận tăng 35,61%; Đồng Tháp là 35,04%. 8 tháng đầu năm 2023, hoạt động xuất khẩu đối diện với nhiều khó khăn do thị trường tiêu thụ lao dốc, giá xuất khẩu sụt giảm mạnh trong khi sản xuất, chế biến trong nước bị gánh nặng chi phí sản xuất tăng cao.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Sở Công thương các tỉnh, thành phía Nam và đại biểu đã kiến nghị về một số vấn đề liên quan đến các lĩnh vực như: Công nghiệp hỗ trợ; cụm công nghiệp; lĩnh vực hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, vận chuyển hàng hóa công nghiệp nguy hiểm và an toàn hoạt động dầu khí; lĩnh vực khuyến công; lĩnh vực thương mại; lĩnh vực an toàn thực phẩm…

Lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Kiên Giang (giữa) nhận quyền đăng cai tổ chức Hội nghị ngành công thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ X - năm 2024.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng đề nghị các tỉnh, thành phía Nam cần tiếp tục tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01 của Chính phủ. Đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn trong tình hình mới. Tăng cường phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương và các đơn vị có liên quan đẩy nhanh các công trình, dự án trọng điểm của quốc gia, của địa phương, đảm bảo chất lượng và tiến độ quy định. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao khả năng cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác và phát triển thị trường trong nước. Tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là xuất khẩu chính ngạch gắn với tái cơ cấu ngành hàng và xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Hội nghị ngành công thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ X - năm 2024 sẽ được tổ chức tại tỉnh Kiên Giang.

 

Tin, ảnh: Y.LINH (BHG)